Sửa soạn phục hồi gián tiếp Inlay/Onlay

 

NGUYÊN TẮC

Sự phát triển của các hệ thống dán trong nha khoa đã làm cho phục hồi (PH) composite trực tiếp trở thành phương pháp PH bảo tồn nhất. Tuy nhiên, composite có thể bị co khi trùng hợp, điều này có thể dẫn đến ứng suất lực (stress) bên trong vật liệu dẫn đến hở viền PH, sâu răng, nhiễm màu viền PH, và ê buốt sau điều trị. PH càng lớn thì ứng suất (stress) này càng cao. Khi kích thước xoang trám vượt quá giới hạn được khuyến nghị đối với composite trực tiếp, các loại PH gián tiếp (mão full, onlay/inlay) sẽ được chỉ định. Chúng có một số ưu điểm vượt trội hơn composite trực tiếp vì chúng được chế tạo gián tiếp, do đó tối ưu hóa đường viền, giải phẫu, đường hoàn tất (ĐHT), tiếp điểm, và có các đặc tính cơ học thường tốt hơn. Đối với kỹ thuật sửa soạn cho mão full, đòi hỏi cần đạt hình thể lưu giữ cơ học và hình thể kháng lực; tuy nhiên, đối với onlay/inlay sứ, đa phần sự lưu giữ nhờ vào liên kết dán.

Nguyên tắc chính của quá trình sửa soạn là bảo tồn mô răng tối đa, với hình dạng xoang tùy thuộc vào sâu răng hoặc PH trước đó. Có mối liên quan trực tiếp giữa độ bền và cấu trúc mô răng còn lại. Hơn nữa, độ cứng của múi giảm đi đáng kể khi càng nhiều mô răng bị loại bỏ. Càng nhiều mô răng bị mài bỏ trong quá trình sửa soạn càng làm tăng nguy cơ thất bại của PH, do đó bảo tồn cấu trúc răng là tiêu chí quan trọng đối với tuổi thọ của răng và PH. Quyết định lựa chọn mão full hay onlay là điều khá khó khăn, nhưng nói chung, onlay được ưu tiên hơn khi có đủ cấu trúc răng còn lại để đảm bảo liên kết dán đạt hiệu quả. Với kỹ thuật onlay, liên kết dán giữa bề mặt sứ được soi mòn (etch) và bề mặt mô răng sẽ là yếu tố lưu giữ chính của PH.
Điều quan trọng là phải nắm rõ các nguyên tắc sửa soạn cho PH onlay/inlay, bao gồm mài giảm mặt nhai, độ sâu xoang, cũng như vị trí của ĐHT để đạt được kết quả lâm sàng tốt nhất .
Chìa khóa thành công của các PH toàn sứ là sửa soạn răng một cách tỉ mỉ. Mục tiêu cần đạt được những yêu cầu sau:
● Cần đảm bảo đủ độ dày lớp sứ để kháng bể vỡ.
● Đường hoàn tất PH liên tục với mô răng.
● Xoang sau khi sửa soạn hoàn tất, ngoài việc nâng đỡ và lưu giữ PH, cần phải nhẵn, không có bất kỳ góc cạnh sắc nhọn nào (có thể gây tập trung ứng suất lực (stress) bên trong sứ).
● Đảm bảo hướng lắp để PH sau cùng có thể lắp vào thụ động.

Trước khi bắt đầu mài sửa soạn, cần tiến hành loại bỏ phần phục hồi cũ. Thường không cần phải loại bỏ các vùng lẹm bên trong, vì KTV labo sẽ đắp lẹm khi thực hiện PH. Tuy nhiên, cũng có thể trám các vùng lẹm này bằng GIC hoặc cement RMGI. Tất cả các góc cạnh phải được bo tròn để giảm thiểu ứng suất lực sinh ra. Nếu những yếu tố này không được làm tốt, có thể dẫn đến gãy vỡ PH về sau.

Phương Pháp

Mài mặt nhai
● Bề rộng phần eo thắt ở mặt nhai cần lớn hơn 1.5 mm.
● Mài giảm chiều cao múi chịu ít nhất 2mm để bảo đảm độ dày lớp sứ vùng chịu lực. Mặt phẳng nhai là một yếu tố tham chiếu quan trọng trong quá trình sửa soạn xoang onlay. Khi các múi của răng đối không ăn khớp tốt với mặt nhai răng được PH onlay, cần tạo dạng lại các múi này để tránh các cản trở khớp cắn có thể sinh ra về sau.

Đường hoàn tất
● Mài butt joint sẽ tạo được ĐHT chấp nhận được trên men, tạo đủ độ dày và dễ mài.
● ĐHT bờ cong sâu cũng có thể là lựa chọn, giúp tạo được sự chuyển tiếp thẩm mỹ tốt giữa PH và men răng. Việc đặt ĐHT bờ cong trên mặt nhai không được khuyến khích vì có nguy cơ gãy vỡ viền sứ cao, vìvậy chỉ nên đặt ĐHT trên các thành trục.
● Vị trí đặt ĐHT không được trùng với các điểm chạm khớp.

Hình dạng xoang
● Liên kết dán giúp tăng đáng kể độ lưu giữ, vì vậy sửa soạn với hình thể lưu giữ không phải là ưu tiên hàng đầu của các loại PH dán.
● Do tính chất gián tiếp của PH, KTV cần phải dễ tháo ra/lắp vào, vì vậy các thành phải có độ phân kỳ.
● Tất nhiên độ phân kỳ này không được quá mức, nhằm đạt yêu cầu bảo tồn mô răng; độ phân kỳ vào khoảng 10–15° được cho là hợp lý.
● Các vùng lẹm nhỏ có thể được chấp nhận hoặc đắp lẹm bằng composite lỏng, GIC, cement RMGI.
● Các góc trong của xoang cần làm tròn.

Các yêu cầu khi sửa soạn xoang onlay/inlay được tổng kết trong Figure 1.


Tips
● Kiểm tra các điểm chạm khớp bằng giấy cắn khi sửa soạn để tránh đặt ĐHT tại những vị trí này.
● Nên sử dụng các rãnh hướng dẫn để mài giảm mặt nhai hợp lý. Nếu không chắc chắn, có thể kiểm tra độ hở khớp bằng cách cho BN cắn sáp và đo độ dày.

https://drive.google.com/file/d/1hjBd5lURqs1Qj1LhEDuYAqWfE1OvJLLs/view?usp=sharing


Để truy cập toàn bộ bài viết, xin vui lòng xem thêm tại đây
Previous Post Next Post