INTRAORAL SCANNING - Lấy dấu kỹ thuật số trong miệng

 

    ABSTRACT: Dấu kỹ thuật số đang định hình lại quy trình lâm sàng của nha khoa hiện đại. Chúng có thể giúp giải quyết một số bất cập gặp phải trong quy trình lấy dấu truyền thống và mang lại cho bác sĩ lâm sàng những tính năng thú vị so với các kỹ thuật lấy dấu thông thường. Với nhiều ý nghĩa khác nhau trong lĩnh vực này, máy scan kỹ thuật số đang tạo dấu ấn đáng kể. Bài viết này sẽ trình bày một số ưu điểm của các hệ thống lấy dấu kỹ thuật số so với lấy dấu thông thường, cũng như xem xét cách chúng hiện đang được sử dụng trong thực tế ngày nay.

EDUCATIONAL  OBJECTIVES

Sau khi đọc xong bài viết này, người đọc sẽ có thể xác định được những lợi thế tiềm năng của các hệ thống lấy dấu kỹ thuật số so với lấy dấu thông thường, cũng như có thể:
1. Hiểu được cách thức sử dụng dấu kỹ thuật số để chế tác các PH nha khoa
2. Hiểu được ảnh hưởng của dấu kỹ thuật số lên chỉnh nha đương đại
3. Sử dụng dấu kỹ thuật số trong implant nha khoa
4. Nhận biết được tiềm năng của công nghệ CAD/CAM
5. Nhận thấy được tiềm năng trong chẩn đoán và giao tiếp với bệnh nhân.
 
Giới Thiệu
Quy trình làm việc hiệu quả luôn là yếu tố rất quan trọng đối với sự thành công của quá trình điều trị. Mỗi nhân viên, mỗi bộ phận cần phải nhận thức được vai trò của mình trong quy trình ấy.
Những tiến bộ liên tục của công nghệ trong lĩnh vực nha khoa đang tạo ra sự thay đổi so với quy trình điều trị nha khoa truyền thống, không gì khác hơn là sự ra đời của máy scan trong miệng và lấy dấu kỹ thuật số. Theo truyền thống, trong quy trình lấy dấu với vật liệu lấy như alginate, cao su…, thường sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy khó chịu, đồng thời cũng làm tốn vật liệu. Ngoài ra, cũng tốn thời gian cho việc sát khuẩn, đóng gói và chuyển dấu đến lab. Hệ thống lấy dấu kỹ thuật số đã giúp giải quyết những vấn đề này, đồng thời cải thiện hiệu quả lâm sàng.
Mặc dù đã từng được ghi nhận là hiệu quả và sử dụng rất phổ biến, song quy trình lấy dấu thông thường có những nhược điểm đáng chú ý đó là có thể ảnh hưởng đến chất lượng phục hồi (PH), gây mất thời gian trên ghế và cả trong labo. Ví dụ: có một số bước trung gian từ lúc lấy dấu ban đầu đến khi hoàn tất PH sau cùng, càng nhiều bước trung gian thì khả năng gặp lỗi càng nhiều, dẫn đến sản phẩm cuối cùng không được như ý. Một số lỗi trong số này bao gồm xử lý mô mềm không đúng cách khi lấy dấu, có thể dẫn đến không thể lấy dấu đầy đủ đường hoàn tất (ĐHT), lựa chọn khay không chính xác, có thể biến dạng dấu trước khi đổ mẫu, và gặp vấn đề trong quá trình gỡ mẫu. Một nhược điểm tiềm ẩn khác của vật liệu lấy dấu thông thường là thực tế chúng thường cần được trộn bằng phương pháp thủ công hoặc bằng máy. Trộn không đúng cách, có thể dẫn đến lấy dấu không thành công, khi đó cần lấy lại dấu, gây tốn kém thời gian của bác sĩ lâm sàng, tốn vật liệu, đồng thời gây khó chịu cho bệnh nhân.

Nhờ sử dụng máy scan trong miệng để chụp ảnh kỹ thuật số, các vấn đề về lựa chọn khay, trộn vật liệu lấy dấu và sự biến dạng dấu trước khi đổ mẫu đã được giải quyết. Tuy nhiên, việc xử lý mô mềm, đặc biệt là khi lấy dấu cho các PH gián tiếp, vẫn phải được tính đến khi lấy dấu kỹ thuật số. Mặc dù thực tế là một số máy scan yêu cầu bột khi scan, có thể làm cho các lần lấy dấu hơi lộn xộn, song hầu hết các máy scan ngày nay không như vậy. Do đó, ít lộn xộn hơn và không yêu cầu dọn dẹp vất vả như các vật liệu lấy dấu thông thường. Nói như vậy không có nghĩa là dấu kỹ thuật số không bao giờ cần phải lấy dấu lại; tuy nhiên, việc lấy dấu lại không cần phải tốn thêm vật liệu. Một số phần mềm lấy dấu kỹ thuật số có thể cung cấp cho bác sĩ lâm sàng phản hồi tức thì nếu việc sửa soạn trước đó chưa đạt, chưa đầy đủ ĐHT, v.v. Điều này cho phép bác sĩ scan lại vùng bị thiếu để có được dấu đầy đủ và chính xác nhất. Thông thường, chỉ cần scan lại phần bị thiếu, phần chưa đạt để có được bản ghi đầy đủ nhất.
Việc sử dụng máy scan kỹ thuật số có những ưu điểm khác so với lấy thông thường. Một trong những ưu điểm đó là trong vấn đề sao mẫu, đặc biệt là sau khi bệnh nhân đã rời khỏi phòng khám. Ví dụ, trong trường hợp lấy dấu thông thường, khi đổ mẫu không chính xác hoặc vô tình bị hỏng hoặc đặt sai vị trí, khi đó phải đổ mẫu lại. Đổ lại mẫu mới có thể được thực hiện theo một trong hai cách: sử dụng lại dấu cũ hoặc lấy lại dấu mới, cả hai đều có những điểm yếu riêng. Ví dụ: để sử dụng lại dấu cũ, thì dấu phải còn nguyên vẹn, không bị rách, không bị biến dạng (trên thực tế là khá khó khăn). Còn với phương án lấy lại dấu mới, bạn phải gọi lại BN, tháo PH tạm… khá bất tiện. Với máy scan kỹ thuật số, những vấn đề này sẽ được giải quyết ổn thỏa, nhờ dấu đã được lưu trữ một cách an toàn, không bị biến dạng, dưới dạng file kỹ thuật số và sẵn sàng được in lại. Một mối quan tâm đối với việc số hóa quy trình lấy dấu là độ chính xác của dấu kỹ thuật số so với dấu truyền thống. Có một số nghiên cứu so sánh dấu kỹ thuật số với dấu thông thường như alginate và polyether. Một nghiên cứu đã so sánh độ khít sát đường hoàn tất (ĐHT) của mão toàn sứ được chế tác từ hệ thống lấy dấu kỹ thuật số với những mão sứ chế tác từ dấu lấy bằng vinyl polysiloxan (VPS) thông thường. So sánh này không tìm thấy sự khác biệt có ý nghĩa giữa hai loại dấu, độ chính xác là tương đương.
Với những lợi thế so với lấy dấu thông thường và độ chính xác tương đương, nhiều bác sĩ lâm sàng đã chọn lấy dấu kỹ thuật số. Một trong những ưu điểm là giảm thời gian chế tác PH. Lợi thế này nổi bật rõ ràng trong một nghiên cứu được thực hiện bởi Schulze và cộng sự, so sánh thời gian cần thiết để hoàn tất mão đơn lẻ trên răng sau, khi được chế tác bằng dấu kỹ thuật số và dấu thông thường. Trong nghiên cứu này, đã khảo sát 100 mão sứ, 50 với kỹ thuật lấy dấu kỹ thuật số ( iTero 3-D scanner), 50 với kỹ thuật lấy dấu thông thường. Trước khi gắn kết thúc, các thông số như ĐHT, tiếp điểm, khớp cắn… được đánh giá và ghi nhận lượng thời gian cần thiết để hoàn thành việc điều chỉnh. Nghiên cứu này cho thấy rằng, với việc áp dụng lấy dấu kỹ thuât số, đã tiết kiệm được 22% thời gian khi điều chỉnh mão răng trước khi gắn kết thúc so với khi sử dụng kỹ thuật lấy dấu thông thường.
Dấu kỹ thuật số được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nha khoa và có thể sẽ được sử dụng phổ biến hơn khi công nghệ ngày càng tiến bộ. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữ dấu kỹ thuật số và công nghệ CAD /CAM.
Các hệ thống CAD/CAM sử dụng dấu kỹ thuật số hoặc quét các mẫu hàm lấy dấu bằng kỹ thuật lấy dấu thông thường, để tự động chế tác PH trong lab hoặc ngay tại phòng khám (nếu có trang bị hệ thống CAD/CAM). Mặc dù trọng tâm sẽ vẫn tập trung vào quy trình làm việc với dấu kỹ thuật số, nhưng chúng tôi sẽ đề cập đến các công nghệ CAD/CAM ở cuối bài viết này. Trước tiên, chúng tôi sẽ tập trung vào các ứng dụng của dấu kỹ thuật số và cách nó có thể tác động tích cực đến quy trình làm việc ra sao.
Ứng Dụng Trong Chỉnh Nha
Dấu kỹ thuật số có thể được sử dụng để chế tác mọi thứ, từ khay trong suốt (aligners) và máng duy trì (retainers) cho đến các khí cụ chức năng và bộ giữ khoảng. Bởi vì lưu trữ dưới dạng file dữ liệu, nên có thể gửi cho lab ngay lập tức, giảm đáng kể thời gian giao nhận.
Quá trình tương tự cũng được sử dụng khi gửi dấu đến trung tâm đúc Khay trong suốt (Align). Ví dụ: theo đánh giá của Jones, khi sử dụng máy scan iTero để lấy dấu cho một trường hợp chỉnh nha khay trong suốt, file dấu có thể được đăng lên Invisalign Doctor Site để xem xét trong 2-3 ngày và thời gian nhận khay sẽ giảm đi gần một nửa. Sau khi tải file lên Invisalign Doctor Site, bác sĩ lâm sàng có khả năng tùy chỉnh các mục tiêu điều trị và cách để đạt được mục tiêu đó. Ví dụ: trên biểu mẫu yêu cầu trực tuyến, các bác sĩ có thể chỉ ra các phương pháp thích hợp để giải quyết tình trạng chen chúc (như là nong rộng hoặc làm nghiêng răng tới trước) và sự khác biệt trước sau ở 2 hàm (giảm khe hở giữa các răng, di xa…) Với các trường hợp cắn sâu hoặc cắn hở, bác sĩ có thể lựa chọn giữa việc làm lún/làm trồi răng trước/sau hoặc kết hợp cả hai. Bác sĩ cũng sẽ quyết định hình thức neo chặn để đạt được sự đóng khoảng như mong muốn trong các trường hợp nhổ răng. Các tùy chọn này cho phép tùy chỉnh phương pháp điều trị trên từng trường hợp và cho phép các lực cơ học đặt lên răng tương tự như khí cụ cố định thông thường. Điều quan trọng cần lưu ý là: dấu thông thường, hoặc dấu kỹ thuật số được scan với các máy scan như 3 Shape Trios, CEREC Omnicam, cũng có thể được sử dụng để đúc khay trong suốt. Mỗi hệ thống lấy dấu kỹ thuật số đi kèm với bộ tính năng độc đáo của riêng hệ thống đó, do đó có thể đáp ứng đa dạng các yêu cầu trên lâm sàng. Ngoài ra còn có các hệ thống chỉnh nha khay trong suốt khác có thể được sử dụng để điều trị chỉnh nha , như Clear Correct.
Như trong các lĩnh vực khác của nha khoa, độ chính xác của dấu yếu tố quan trọng hàng đầu trong chỉnh nha. Một báo cáo của Garino và Castro nêu chi tiết một số ví dụ lâm sàng cho thấy dấu kỹ thuật số cung cấp nhiều thông tin chính xác hơn so với dấu truyền thống.
Để có được kết quả này, các tác giả đã thực hiện một nghiên cứu diễn ra trong hai năm và bao gồm tổng cộng 328 lần scan dấu được sử dụng để điều trị chỉnh nha (Invisalign ClinCheck). Tất cả các quá trình scan được thực hiện bằng máy scan iTero. Một số ví dụ lâm sàng bao gồm các tình huống liên quan đến RCL thứ 2 trong điều trị Hạng II, các tình huống chen chúc nghiêm trọng, răng cửa/răng nanh mọc lệch, cắn sâu. Các tác giả đề cập, đặc biệt là đối với trường hợp răng cửa/răng nanh mọc lệch, rằng phần mềm Invisalign đặt các vòng tròn đỏ xung quanh vị trí dữ liệu bị thiếu và do đó có thể cảnh báo bác sĩ lâm sàng cần phải scan bổ sung. Trong các trường hợp nhổ / thiếu răng và giai đoạn muộn của bộ răng hỗn hợp, việc lấy dấu kỹ thuật số cũng cho kết quả tốt hơn. Các tác giả lưu ý về một tính năng trong Invisalign Teen được gọi là "mọc răng bù trừ", cho phép bác sĩ lâm sàng nhập độ rộng của các răng chưa mọc để được bù trừ trong khay trong suốt, từ đó giúp điều hướng trong quá trình mọc răng. Các tính năng như thế này rõ ràng không thể có được khi lấy dấu truyền thống.
 

Không có gì phải tranh cãi khi nói rằng mẫu hàm là quan trọng nhất đối với việc lập kế hoạch điều trị chỉnh nha. Một nghiên cứu của Ko và cs đã khảo sát sự khác biệt trong kế hoạch điều trị của bác sĩ chỉnh nha khi đánh giá mẫu kỹ thuật số so với mẫu thạch cao. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng việc sử dụng các mẫu kỹ thuật số và thạch cao dẫn đến các kế hoạch điều trị tương tự nhau. Dựa trên những phát hiện này, các tác giả báo cáo rằng “Các mẫu kỹ thuật số có thể thay thế cho các mẫu thạch cao mà không có sự khác biệt đáng kể trong việc thiết lập kế hoạch điều trị sau cùng.
Chúng ta không chỉ có thể lấy dấu kỹ thuật số mà giờ đây chúng ta có thể phân tích các mẫu kỹ thuật số theo cách tương tự. Việc phân tích kết quả điều trị là quan trọng đối với bác sĩ lâm sàng và có thể giúp trau dồi các phác đồ điều trị của bác sĩ. Hội đồng chỉnh nha Hoa Kỳ (ABO) sử dụng một hệ thống gọi là CRE (cast-radiograph evaluation) để phân tích kết quả điều trị. Hệ thống này liên quan đến 8 tiêu chí bao gồm các hạng mục như lệch lạc và xoay, các tiếp xúc cắn khớp, các gờ bên và cắn chìa.
Những đánh giá này theo truyền thống được hoàn thành bằng tay với thước đo trên các mẫu thạch cao; tuy nhiên, những phát triển công nghệ mới đã cung cấp cho chúng ta các lựa chọn kỹ thuật số.
Hệ thống lấy dấu kỹ thuật số đang thay đổi cuộc chơi trong chỉnh nha. Với việc sử dụng chúng trong việc chế tác các loại khí cụ khác nhau, không có gì ngạc nhiên khi máy scan kỹ thuật số đang dần xuất hiện nhiều hơn trong thực hành chỉnh nha. Kết quả tương tự với các phương pháp điều trị chỉnh nha thông thường, quy trình làm việc được cải thiện và thời gian giao nhận nhanh hơn là một số lợi ích của việc sử dụng công nghệ này. Khi kết hợp với phần mềm Invisalign, bác sĩ chỉnh nha có thể tùy chỉnh quá trình điều trị. Dấu/mẫu kỹ thuật số cũng thay thế các mẫu thạch cao trong việc thiết lập kế hoạch điều trị và đánh giá kết quả điều trị. 
Bây giờ chúng tôi sẽ chuyển sang phần nói về việc sử dụng dấu kỹ thuật số trong nha khoa phục hồi.
Dấu Kỹ Thuật Số và Nha Khoa Phục Hồi
Dấu kỹ thuật số có thể được sử dụng để chế tác nhiều loại PH khác nhau như inlay, onlay, mão đơn lẻ, cầu răng, cả trên răng thật và trên implant.
Những dấu kỹ thuật số này có thể được ghi lại theo một trong hai cách: scan mẫu thạch cao từ kỹ thuật lấy dấu thông thường hoặc scan trong miệng bệnh nhân. Scan mẫu thạch cao cho các hệ thống CAD/CAM bắt đầu vào những năm 1980 và là lựa chọn ưu tiên vào thời điểm đó vì scan trong miệng tốn thời gian và không chính xác. Tuy nhiên, theo thời gian, các hệ thống scan trong miệng đã có sự cải thiện và dần được sử dụng thường xuyên trong nha khoa phục hồi. 
Lấy dấu kỹ thuật số trong miệng có thể mang lại những lợi thế nhất định so với lấy dấu thông thường như giảm tổng thời gian điều trị, giảm thời gian lấy dấu. Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng các bác sĩ lâm sàng tỏ ra thích lấy dấu kỹ thuật số so với kiểu lấy dấu truyền thống trước đây của họ.
Trong một đánh giá tổng quan về việc sử dụng các hệ thống lấy dấu kỹ thuật số trong miệng cho nha khoa phục hồi, Takeuchi và cs ghi nhận rằng tổng thời gian cần thiết để lấy dấu kỹ thuật số ngắn hơn so với lấy dấu thông thường. Mặc dù có những cải tiến đáng kể trong nhiều năm qua, tuy nhiên, một nghiên cứu đánh giá tương tự cũng báo cáo rằng scan trong miệng vẫn kém chính xác hơn hơn so với scan mẫu ngoài miệng. Lý do cho sự khác biệt này là do những cản trở trong khoang bao gồm các yếu tố như nước bọt, vùng làm việc bị giới hạn, cũng như liên quan đến vị trí scan. Mặc dù vậy, các tác giả cũng lưu ý rằng khoảng hở đường hoàn tất đối với các phục hình cố định được thực hiện bằng máy scan trong miệng nhỏ hơn 120µm, có thể chấp nhận được về mặt lâm sàng như với scan gián tiếp.
Họ cũng đề cập đến hai nghiên cứu cho thấy rằng phục hình sứ được thực hiện bằng máy scan trong miệng đạt được các tiếp điểm mặt bên và các điểm chạm khớp cắn ở mức tương đương hoặc tốt hơn khi so sánh với PH thực hiện bằng dấu truyền thống. Lấy dấu kỹ thuật số cũng được bệnh nhân chấp nhận nhiều hơn trên lâm sàng. Trong một nghiên cứu của Yuzbasioglu và cộng sự, kỹ thuật lấy dấu kỹ thuật số và thông thường được so sánh dựa trên sự thoải mái của bệnh nhân. Nghiên cứu ghi nhận rằng kỹ thuật lấy dấu kỹ thuật số tiết kiệm thời gian hơn so với kỹ thuật lấy dấu thông thường, với thời gian điều trị tổng thể cho lấy dấu kỹ thuật số ít hơn đáng kể về mặt thống kê. Họ cũng nhận thấy rằng kỹ thuật lấy dấu kỹ thuật số được bệnh nhân ưa thích và cảm thấy thoải mái hơn.
Dấu Kỹ Thuật Số Trong Implant Nha Khoa
Các hệ thống lấy dấu kỹ thuật số cũng đã tạo được vị trí của mình trong lĩnh vực cấy ghép nha khoa. Cũng như nha khoa phục hồi, quy trình làm việc cấy ghép truyền thống liên quan đến việc sử dụng các vật liệu lấy dấu thông thường và gửi các dấu đó đến labo chế tạo abutment cá nhân hoặc mão trên implant. Giờ đây, với việc sử dụng hệ thống lấy dấu kỹ thuật số, các bác sĩ lâm sàng có thể lựa chọn quy trình làm việc nhanh hơn, đó là quy trình kỹ thuật số.
 

Lấy dấu, kỹ thuật số hoặc thông thường chính xác, là điều quan trọng hàng đầu trong cấy ghép nha khoa. Ví dụ, cầu răng không khít sát trên các răng trụ sẽ dẫn đến các lực không mong muốn lên các răng này. Tuy nhiên, răng tự nhiên có thể có đôi chút thích ứng với các phục hình không khít sát nhờ có hệ thống dây chằng nha chu. Trên thực tế, răng có thể di chuyển 25–100 µm theo chiều đứng, và 56–108 µm theo phương ngang. Ngược lại, implant thì không thể thích ứng được mức như vậy. Chúng chỉ có thể di chuyển 3-5µm theo chiều đứng và 10–50µm theo phương ngang sau khi tích hợp xương. PH không khít sát tốt sẽ có thể tạo ra các lực tiêu cực, có thể gây ảnh hưởng không tốt lên giao diện giữa xương và implant. Vì vậy, độ khít sát là một trong những yêu cầu bắt buộc. Để điều này xảy ra, dấu cần phải đạt độ chính xác.
Lấy dấu kỹ thuật số trong cấy ghép nha khoa cũng tốn ít thời gian hơn so với lấy dấu thông thường. Trong một nghiên cứu thử nghiệm của Lee và Gallucci, các tác giả đã khảo sát hiệu quả, độ khó và sở thích của bác sĩ đối với lấy dấu kỹ thuật số so với lấy dấu thông thường cho implant đơn lẻ. Nghiên cứu này cho thấy rằng tổng thời gian điều trị khi áp dụng lấy dấu kỹ thuật số ít hơn đáng kể về mặt thống kê so với lấy dấu thông thường. Họ cũng nhận thấy rằng lấy dấu thông thường đòi hỏi thời gian chuẩn bị, thời gian làm việc và thời gian lấy dấu lại tốn nhiều hơn khi so sánh với lấy dấu kỹ thuật số. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng lấy dấu kỹ thuật số được đánh giá là có mức độ khó thấp hơn và là phương pháp được ưa thích và hiệu quả hơn theo ghi nhận của các bác sĩ. 
Các hệ thống kỹ thuật số có thể lấy dấu implant với độ chính xác tương đương như dấu truyền thống, đồng thời cung mang đến cho bác sĩ lâm sàng một lựa chọn nhanh hơn và dễ sử dụng hơn. Phần cuối cùng của bài này sẽ đề cập đến các hệ thống CAD / CAM và cách chúng có thể được sử dụng để thúc đẩy quy trình làm việc hiệu quả hơn.
CÁC HỆ THỐNG CAD/CAM
Mặc dù được giới thiệu lần đầu tiên trong lĩnh vực nha khoa vào năm 1971 bởi François Duret, song hệ thống CAD/CAM nha khoa đầu tiên được thương mại hóa là hệ thống CEREC vào năm 1985. Qua nhiều năm, công nghệ này đã có sự phát triển vượt bậc và có thể cung cấp nhiều ưu thế độc đáo. Hệ thống CAD/CAM mang lại tính linh hoạt trong thiết kế và cung cấp khả năng tự động hóa trong giai đoạn sản xuất phục hình. Quy trình tự động hóa này có ưu điểm là kiểm soát được chất lượng và giảm chi phí labo. Các hệ thống này cũng có lợi ích tiềm năng là giảm thiểu các lỗi trong kỹ thuật và cải thiện kiểm soát lây nhiễm bằng cách giảm một số nguy cơ lây nhiễm chéo bằng cách loại bỏ một số bước trong quy trình làm việc thông thường.
Khi công nghệ đã phát triển, các hệ thống CAD/CAM có thể sử dụng các vật liệu khác nhau để chế tạo phục hình và mang lại hiệu quả cao. Ví dụ, các hệ thống có thể sử dụng các khối nhôm và zirconia nguyên khối đã được nung kết hợp với sứ veneer cho các mão răng sau và cầu răng. Các hệ thống CAD/CAM cũng có thể được sử dụng với các PH có kim loại và có thể được sử dụng để chế tạo mão răng, cầu răng, inlay, onlay veneer...

Những ưu điểm nói trên không chỉ giới hạn trong lĩnh vực phục hình răng nói chung. Các hệ thống CAD/CAM hiện nay còn có vai trò trong lĩnh vực cấy ghép nha khoa vì các hệ thống này đã được sử dụng trong việc chế tạo trụ abutment và các mẫu chẩn đoán. Với hệ thống CAD / CAM, bác sĩ lâm sàng có thể tạo ra các abutment được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân, thường ở mức giá thấp hơn so với abutment cá nhân chế tạo tại phòng lab. Trong một bản cập nhật về các hệ thống CAD/ CAM trong cấy ghép nha khoa cấy ghép của Fuster- Torres và cộng sự, các tác giả cho biết rằng sử dụng hệ thống CAD/CAM sẽ mang lại độ chính xác cao hơn so với thao tác thông thường của kỹ thuật viên trong lab. Một số bác sĩ lâm sàng sử dụng hệ thống CAD/CAM và công nghệ CBCT khi lập kế hoạch điều trị cho các trường hợp cấy ghép implant. Bác sĩ được cung cấp thông tin nhiều hơn thông qua phần mềm và công nghệ, đồng thời giảm các thủ tục và cải thiện quy trình làm việc khi so sánh với các quy trình cấy ghép thông thường. Sự kết hợp này có thể hỗ trợ bác sĩ từ lập kế hoạch điều trị ban đầu, đến vị trí cấy ghép, đến chế tạo trụ abutment và /hoặc phục hình sau cùng, tất cả đồng thời cải thiện độ chính xác và kết quả điều trị.
Một cách khác, có kết hợp công nghệ CBCT và hệ thống CAD/CAM, đó là chế tạo các máng hướng dẫn phẫu thuật. Theo truyền thống, các máng hướng dẫn phẫu thuật cấy ghép implant được chế tạo bằng cách sử dụng mẫu hàm và phim X quang 2D; tuy nhiên, việc lập kế hoạch cấy ghép bị hạn chế bởi những hình ảnh 2D này vì chúng cung cấp thông tin không đầy đủ về cấu trúc giải phẫu 3D, như vị trí dây thần kinh, chiều cao xương, và các phép đo. Tuy nhiên, giờ đây, các bác sĩ lâm sàng có thể lựa chọn sử dụng hệ thống chụp X quang 3D và phần mềm trong việc lập kế hoạch đặt implant. Nhờ vậy, bác sĩ lâm sàng có nhiều lợi thế như khả năng phân tích các vị trí cấy ghép tiềm năng theo ba chiều, cũng như lập kế hoạch về số lượng, kích thước và loại implant sẽ sử dụng. Sau khi chụp được hình ảnh 3D, máng hướng dẫn phẫu thuật có thể được thiết kế trên phần mềm, và sau đó có thể được in bằng kỹ thuật in 3D. Nếu bác sĩ lâm sàng có hệ thống CAD- CAM tại phòng khám, thì máng dẫn phẫu thuật có thể được in ngay tại phòng, giúp cải thiện hơn nữa quy trình làm việc bằng cách loại bỏ bước trong lab. Máng hướng dẫn phẫu thuật có thể được neo giữ và nâng đỡ bằng răng thật, xương hoặc niêm mạc.
Hệ thống CAD / CAM, đặc biệt là hệ thống tại phòng khám, có khả năng đẩy nhanh quá trình điều trị. Bằng cách sử dụng scan kỹ thuật số, chúng có thể chế tác rất nhiều PH và có thể cung cấp cho bác sĩ lâm sàng các lựa chọn khác nhau khi chọn vật liệu PH. Các hệ thống này cũng có thể được sử dụng để chế tác trụ abutment cá nhân và máng hướng dẫn phẫu thuật, cũng như giúp giảm thiểu các lỗi tạo ra trong quy trình làm việc.


KẾT LUẬN
Hệ thống lấy dấu kỹ thuật số đi đầu trong đổi mới nha khoa, đang định hình lại cách thức thực hành nha khoa hiện đại. Dấu kỹ thuật số có thể được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực của nha khoa từ phục hình răng đến chỉnh nha đến cấy ghép nha khoa. Chúng đã được ghi nhận là cho kết quả tương đương với lấy dấu thông thường, đồng thời mang lại cho bác sĩ lâm sàng những lợi thế không thể có được trong quy trình làm việc thông thường. Có vẻ như ưu điểm của kỹ thuật số vượt trội hơn nhược điểm khi ngày càng nhiều bác sĩ lâm sàng lựa chọn sử dụng các hệ thống này. Khi công nghệ tiến bộ, các hệ thống này có thể sẽ được sử dụng nhiều hơn, với nhiều ứng dụng hơn nữa trong lĩnh vực nha khoa.

https://drive.google.com/file/d/1u9hONgwq6WV0KlPzChzwwiTK-F-DQqTv/view?usp=sharing


Để truy cập toàn bộ bài viết, xin vui lòng xem thêm tại đây
Previous Post Next Post